Shopping ở Florence

 5:30 chiều: Viết từ trên tháp cao nhất của nhà thờ Doumo. Tôi đang ở trên đỉnh cao nhất của Florence, nhìn xuống thành phố và những quả đồi của bình nguyên Tuscany bao quanh thành phố. Từ chỗ này, khung cảnh thật choáng ngợp. Hàng ngàn những ngôi nhà Phục hung màu đỏ, vàng và da cam tỏa ra như những cánh cung từ quảng trường trung tâm thành phố, chạy tới những chân núi xanh xa. Mặt trời đang lặn, rải những ánh nắng ấm dịu xuống một vài nóc nhà ở phía bên này thành phố, trong khi lại chói sáng ở phía khác. Đây đó trên những quả đồi, mây trắng bảng lảng trong một thứ ánh sáng mơ hồ như phủ khói. Bầu trời có màu gần xanh nhưng về phía tây có những đụn mây hồng và tím dày, qua đó những luồng ánh sáng trắng xuyên xuống thành vệt. Thật là một cảnh thánh thần; người ta có thể chép nguyên khung cảnh này và gọi nó là thiên đường. Tôi có thể đứng đây ngắm cái cảnh này mãi mãi nhưng Doumo sẽ đóng cửa lúc 6 giờ 20 phút nên tôi phải ghi nhanh một chút rồi ra khỏi đây.

Tôi đã vào đây sau khi loanh quanh shopping trong thành phố, phải rồi; dù không hề có ý định, nhưng tôi đã không cưỡng được. Tôi không hề phóng đại. Chiều nay, sau khi cắt tóc, tôi đi loanh quanh, hờ hững ngắm nghía các cửa hàng bán đồ da ở con đường chạy dọc sông Arno với ý nghĩ “Cứ nhìn thôi thì có chết ai?” ?

 Trong lúc này, người phụ nữ bán hàng cứ thản nhiên nhìn tôi nhấc lên, đặt xuống. Khi tôi cầm nó lên lần thứ ba để nhìn, chị ấy nói: “Cái túi thật hợp với cô. Tôi không hiểu tại sao nhưng nó hợp với cô lắm, như là được làm riêng cho cô vậy”.

Trời ơi, giết tôi đi. Giết tôi đi. Tại sao chị ấy phải nói thế chứ ? Tôi cố thoi thóp:

“Tôi thích lắm, nhưng tôi không thể mua được. Tôi nhiều túi lắm rồi, mà thực sự là lúc này tôi cũng không thể mua một cái túi chừng đó tiền.”

“Có thể cô sẽ mua được những cái túi này chăng?” Chị ấy nói với vẻ thông cảm và chỉ cho tôi cái giá bên cạnh mà tôi đã không hề nhìn đến vì mải dán mắt vào cái túi đó.

“Những cái này thì giá bao nhiêu tiền?” Tôi hỏi. “Xin chị nói giá cho tôi trước khi tôi đeo thử chúng, nếu không thì tôi sẽ chết.”
“Ôi trời ơi!” Chị ấy phá lên cười. “Cô vui tính quá (chị ấy nghĩ tôi nói đùa, nhưng mà tôi hoàn toàn không đùa). Những cái này khoảng 75 euro.”

“Chị nói thật đấy chứ? Chị không đùa đấy chứ? Chúng đẹp thế cơ mà.” Tôi không thể tin là những cái túi này giá chỉ có 75 euro, tức là khoảng 130 đô la, bởi vì chúng cũng đẹp y như cái túi đỏ. Làm sao lại có thể chỉ có 75 euro.

“Chị nói 75 euro đúng không?” Tôi hỏi lại và chỉ vào một cái túi. “75 euro, không phải 750 chứ?”

“Phải rồi, 75 euro, không phải 750,” chị ấy lại cười ngặt nghẽo. “Cô vui tính quá.”

Tại sao người ta rất hay cười và bảo tôi vui tính vào những lúc tôi nói những điều nghiêm túc và chân thành nhất nhỉ? Hình như bi kịch cuộc đời tôi toàn liên quan đến những khoảnh khắc vui tính chết người như thế này. “Nhưng mà nói đẹp quá,” tôi nói. “Nó có khác gì cái túi đỏ kia đâu?”

Chị bán hàng hẳn là thấy tôi rất đáng thương, vả lại tôi là người khách duy nhất lúc đó nên chị ấy nói với vẻ rất thật: “Những cái túi này rẻ hơn bởi vì nó là những cái túi cuối cùng trong bộ sưu tập. Cô thấy đấy, mỗi cái chỉ có một màu, không có màu nào khác cả, và cũng không có cái thứ hai. Nó không hợp với bộ sưu tập tôi đang có cho mùa này. Cũng có cái, như cái này, chỉ là đồ tôi làm mẫu để bán thử, rồi không sản xuất. Chúng là túi đơn. Không còn cái thứ hai nên chúng rẻ. Cô hiểu không?” ?

Không, tôi không thể hiểu cái logic đó. Cái đẹp là cái đẹp, mọi nơi, mọi lúc, mọi mùa… cần gì đi với bộ sưu tập nào, mùa nào…
“Nhưng mà chúng đẹp quá,” tôi nhắc lại lần thứ ba, với một sự ngớ ngẩn hiển nhiên. “Xin chị đừng giận, thực sự là tôi không hiểu; tôi thấy chúng còn đẹp hơn những cái túi trong bộ sưu tập mùa này của chị, mấy cái túi đắt tiền kia kìa.”

“Cô nói đúng rồi,” chị ấy nói. “Tôi nói thật nhé, những cái túi này còn đắt hơn mấy cái kia nếu như chúng không phải là những cái cuối cùng tôi có hoặc không phải cái túi mẫu. Ví dụ cái này, tôi chỉ có một cái duy nhất làm mẫu, tôi làm cái mẫu này còn đắt hơn cả túi kia, loại da này đắt hơn nhiều và phải làm rất kỳ công. Nhưng tôi chỉ làm mẫu mà không sản xuất cho nên tôi đành bán nó với giá rẻ, thu lại được bao nhiêu thì thu.” ?

“Tôi hiểu rồi,” tôi nói, và không đừng được mà thêm. “Tôi chẳng hiểu là người Ý các chị bị làm sao nữa. Sao người Ý lại có thể có con mắt nghệ thuật tuyệt vời thế nhỉ?”

Chị ấy lại cười. “Tôi không phải người Ý. Tôi sinh ở Anh nhưng chuyển đến đây lúc tôi còn nhỏ. Nhưng tôi đồng ý với cô; người Ý có con mắt nghệ thuật đặc biệt; họ rất riêng, không dân nước nào sánh kịp với họ về khoản này đâu.” Rồi đột nhiên chị ấy nói: “Nếu cô trả tiền mặt tôi sẽ bán cái túi này cho cô với giá 65 euro.”

Tôi đã sẵn sàng trả 75 euro rồi, nhưng các cụ quả không sai khi nói “Thấy bở đào mãi” vì sau khi nghe chị ấy nói thế thì tôi mỉm cười, nói với chị ấy: “60 euro nhé.” Và thêm: “Tôi xin chị đấy, tôi thích nó lắm.”

Chị ấy nhăn nhó, vặn vẹo một lúc, rồi nói: “Thôi được, tôi lỗ rất nhiều tiền cho cái túi này nhưng mà tôi thích cô, tôi nói thật đấy. Tôi sẽ để nó cho cô”.

Tôi không biết chị ấy có thích tôi thật không, và tôi cũng không biết thực sự chị ấy mất bao nhiên để làm cái túi. Nếu tôi kể chuyện này với mẹ tôi, chắc mẹ tôi sẽ bảo tôi bị lừa; với mẹ tôi thì tôi là đứa dễ bị lừa nhất trên đời, người ta nói sao tôi trả vậy và luôn tin bất cứ sự phỉnh phờ nào. Nhưng kệ, tôi có một cái túi đẹp mà tôi thích. Với tôi, chuyện chỉ có thế. Ai lừa tôi là việc của người đó, tội của người đó. ? ?

Đoạn trích trong cuốn “Một mình ở châu Âu”